Hà Nội: Dừng lát đá vỉa hè Hồ Gươm, xin ý kiến dân

Hà Nội: Dừng lát đá vỉa hè Hồ Gươm, xin ý kiến dân
TPO - Sau một thời gian bóc những viên gạch còn khá mới, lát lại bằng đá xanh quanh hồ Gươm, hôm nay, 10 –5, công việc này đã phải tạm dừng để xin ý kiến người dân.

Trao đổi với PV Tiền Phong Online trưa nay, ông Vũ Văn Viện, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết: sẽ lập các hòm thư để xin ý kiến của người dân về việc lát đá quanh Hồ Gươm, bởi đây là khu vực đặc biệt, nên phải tôn tạo phù hợp. “Người dân có thể đồng ý hoặc không” – ông Viện khẳng định.

Trước đó, theo quan sát của chúng tôi, việc lát đá đã hoàn thành hơn 200m, đoạn từ phía đối diện phố Hàng Ngang cho đến nhà hàng Thủy Tạ.

Được biết, để làm đẹp cho Hồ Gươm phục vụ Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội, thành phố Hà Nội triển khai 2 dự án với tổng kinh phí lên tới gần 100 tỷ đồng.

Dự án chỉnh trang kè hồ, hè phố, vườn hoa, tiểu cảnh, đường dạo xung quanh hồ với tổng kinh phí trên 40 tỷ đồng do Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm làm chủ đầu tư.

Dự án cải tạo, tăng cường hệ thống chiếu sáng, chiếu sáng trang trí xung quanh hồ với tổng kinh phí trên 46 tỷ đồng do Ban quản lý chỉnh trang đô thị làm chủ đầu tư.

PV Tiền Phong Online vừa ghi lại một số hình ảnh dang dở của việc lát đá này.

Hà Nội: Dừng lát đá vỉa hè Hồ Gươm, xin ý kiến dân ảnh 1
Một rãnh dài chưa được lát. Ảnh: HT
Hà Nội: Dừng lát đá vỉa hè Hồ Gươm, xin ý kiến dân ảnh 2
Đống gạch bị nứt vỡ. Ảnh: HT
Hà Nội: Dừng lát đá vỉa hè Hồ Gươm, xin ý kiến dân ảnh 3
Nhiều đống gạch như này đặt ngổn ngang các lỗi đi. Ảnh: HT

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

Ý kiến bạn đọc

Ông Thanh Đạt, 26 phố Tạ Hiện, quận Hoàn Kiếm: Tôi thấy lát đá thế này là đẹp nhưng rất lãng phí. Chỉ cần sửa lại những chỗ gạch cũ trước kia bị hư hỏng là được. Nên dành tiền vào việc khác thì tốt hơn. Hiện, nhiều nơi trong thành phố còn bề bộn lắm, không nên chỉ tập trung vào hồ Hoàn Kiếm.

Bác Cảnh Chuyên, 18 Hàng Bông: Tôi thấy gạch cũ vẫn còn tốt, vứt đi rất lãng phí. Nên đưa về lát các làng, xã ở quê.

Bác Cường, phố Hàng Da, phường Hàng Bông: Nói chung việc này là lãng phí. Vì dân mình còn nghèo lắm. Nhiều nơi không đủ ăn

Bác Khúc Thừa Ngoạn, 109 Hàng Bạc: Theo tôi, ta nên dành 47 tỷ lát gạch mới này để cho dân nghèo thì hơn.

Nguyễn Thành; ...vietha@yahoo.com.vn

Tại sao không hỏi ý kiến dân chúng trước khi tiến hành lập dự án và trước khi thi công ? Để đến khi thi công được một phần và có nhiều ý kiến của dư luận mới cho dừng thi công để xin ý kiến.

Thử hỏi, nếu dân tình không đồng ý thì lại bóc đá lên và lát gạch như cũ à hay vẫn làm tiếp ? Lúc này làm cũng khó mà dừng cũng không được - "Tiến thoái lưỡng nan".

Đặng Hòang; ...tight@yahoo.com

Việc dỡ bỏ gạch lát vỉa hè vẫn còn mới để lát đá, bây giờ lại dừng lại để xin ý kiến của dân - Thật khó hiểu ?

Nguyễn Thông; ....tnn@gmail.com

Theo quan sát của mọi người, vỉa hè cũ xung quang Hồ Gươm đang đẹp và ổn định. Thế mà lại cho cậy lên lát gạch mới với kinh phí đến 50 tỷ đồng.

Tại sao trước đây không xin ý kiến? để đến bây giờ khi dư luận xã hội lên tiếng mới lại dừng để xin ý kiến người dân.

Trang Anh ...us@yahoo.com

Tôi thấy lát gạch cũ là đẹp rồi. Chứ lát gạch này vừa xấu, vừa trơn. Sự việc này, phản ánh cách làm việc không khoa học. Lẽ ra, nên hỏi ý kiến người dân trước mới phải. Giả sử, nếu dân không đồng tình, lại lật gạch mới lên, lát lại gạch cũ sao?

Thật lãng phí và không còn gì để nói...Cách làm việc thế này, thì bao giờ mới phát triển được, không thể hiểu nổi. Những việc cần làm ngay để làm Hồ Gươm thực sự đẹp thì không làm: Phạt nặng những người xả rác xung quanh Hồ chẳng hạn...Lát gạch mới, nhưng người ta vẫn xả rác lung tung thì vẫn đâu hoàn đấy thôi.

>> Tiếp tục cập nhật. Ý kiến bạn đọc không phản ánh quan điểm của tòa soạn.

MỚI - NÓNG
Sắp có 100.000 ha lúa chất lượng cao ở Kiên Giang
Sắp có 100.000 ha lúa chất lượng cao ở Kiên Giang
TPO - Tỉnh Kiên Giang đặt mục tiêu, đến năm 2025 triển khai Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đạt 100.000 ha, tăng lên gấp đôi đạt 200.000ha vào năm 2030.